Binh lực hai bên Trận_Raseiniai

Quân đội Đức Quốc xã

Cụm Tập đoàn quân Bắc (Tư lệnh: Thống chế Wilhelm Ritter von Leeb) đóng ở Đông Phổ vào thời gian trước chiến dịch Barbarossa là cụm tập đoàn quân nằm ở phía Bắc trong số ba khối quân lớn tham gia cuộc tấn công xâm lược vào lãnh thổ Liên Xô năm 1941. Tổng binh lực gồm có

  • Tập đoàn quân xe tăng 4 do tướng Erich Hoepner chỉ huy, là đơn vị chủ lực tham gia trận Raseiniai, trong biên chế có:
    • Quân đoàn cơ giới 41 do tướng Georg-Hans Reinhardt chỉ huy gồm các sư đoàn xe tăng 1, 6; sư đoàn cơ giới 36 và sư đoàn bộ binh 269.
    • Quân đoàn cơ giới 56 do tướng Erich von Manstein chỉ huy gồm sư đoàn xe tăng 8, sư đoàn cơ giới 3 và sư đoàn bộ binh 290.
  • Một phần lực lượng dự bị của tập đoàn quân là sư đoàn cơ giới SS "Đầu lâu" và các sư đoàn bộ binh 206, 251 tham gia trận đánh vào giai đoạn cuối.
  • Tham gia trận đánh còn có một số sư đoàn cánh phải của Tập đoàn quân 18 do tướng Georg von Küchler chỉ huy và cánh trái của Tập đoàn quân 16 do tướng Ernst Busch chỉ huy.

Quân đội Liên Xô

Lực lượng Hồng quân kiểm soát khu vực Baltic là Phương diện quân Tây Bắc, vốn được tổ chức lại từ các đơn vị của Quân khu đặc biệt Pribaltic, sau cuộc tấn công ngày 22 tháng 6 năm 1941 được đổi tên thành Phương diện quân Tây Bắc do Thượng tướng F. I. Kuznetsov chỉ huy. Phương diện quân bao gồm Tập đoàn quân số 8 của thiếu tướng P. P. Sobenikov, đóng sở chỉ huy tại Siauliai; số 11 của trung tướng V. I. Morozov, đóng sở chỉ huy tại Kaunas; Tập đoàn quân số 27 của thiếu tướng N. E. Berzarin chỉ huy, đóng sở chỉ huy tại Riga. Tham gia trực tiếp tại trận trận Raseiniai là lực lượng dự bị cơ động của Phương diện quân gồm:

  • Quân đoàn cơ giới 3 do thiếu tướng A. V. Kurkin chỉ huy, trong biên chế có:
    • Sư đoàn xe tăng 2 của thiếu tướng E. N. Soliankin;
    • Sư đoàn xe tăng 5 của đại tá F. F. Fiodorov;
    • Sư đoàn cơ giới 84 của thiếu tướng P. I. Fomenko.
  • Quân đoàn cơ giới 12 do thiếu tướng N. M. Shestopalov chỉ huy, trong biên chế có:
    • Sư đoàn xe tăng 23 của đại tá T. S. Orlenko;
    • Sư đoàn xe tăng 28 của đại tá I. D. Cherniakhovsky;
    • Sư đoàn cơ giới 202 của đại tá V. K. Gorbachiov.
  • Tập đoàn quân 8 do tướng P. I. Sobelnikov chỉ huy.

Do chỉ có chính diện hơn 380 km đối diện với Đông Phổ, Quân khu Pribaltic bố trí các quân đội theo chiều sâu của chiến tuyến với tập đoàn quân 8 đóng tại biên giới, sau lưng họ và chếch về phía Nam là tập đoàn quân 11 và cuối cùng, ngay phía trước Riga là tập đoàn quân 27. Cách bố trí này có lợi thế về chiều sâu phòng ngự nhưng lại rất bất lợi khi đơn vị bên sườn trái của Quân khu đặc biệt Pribaltic là Quân khu đặc biệt miền Tây không giữ nổi thế trận của mình. Thực tế trong tuần đầu của Chiến dịch Barbarossa cho thấy, sự thất bại nặng nề và nhanh chóng của Quân khu đặc biệt miền Tây đã làm cho Quân khu đặc biệt Pribaltic bị hở toàn bộ sườn trái.[2]